Xuân Mai Ngày Ấy Và Bây Giờ

Xuân Mai Ngày Ấy Và Bây Giờ

(BĐT) - Phục hồi trong trạng thái bình thường mới hiện là “bài toán” của chính quyền các quốc gia cũng như cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Trong bối cảnh này, câu chuyện về sự tăng trưởng chóng mặt của 4 “con hổ” châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Hồng Kông) giai đoạn 1960 - 1990 bất chợt quay lại. Những “con hổ” châu Á hiện tại ra sao?

Tăng trưởng khiêm tốn nhưng sức mạnh vẫn lớn

Ngay cả khi đà tăng trưởng chậm lại, 4 “con hổ” châu Á vẫn sở hữu sức mạnh đáng gờm và đóng vai trò quan trọng đối với thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung.

Hàn Quốc đang nắm giữ vị thế quốc gia có ngành công nghiệp sản xuất trình độ cao bậc nhất, từ các tàu chở hàng tải trọng lớn, ô tô cho tới hoá chất, đồ điện tử và chất bán dẫn. Chưa kể, quốc gia này đã và đang xây dựng được thương hiệu toàn cầu mạnh với các sản phẩm di động thông minh và ngành công nghiệp văn hoá với các idol đình đám.

Trong khi đó, Đài Loan định vị là một trong những mắt xích quan trọng bậc nhất của chuỗi cung ứng - sản xuất hàng hoá cao cấp toàn cầu, đặc biệt là với ngành điện tử và chất bán dẫn.

Lĩnh vực sản xuất tiếp tục đóng vai trò quan trọng và đóng góp phần lớn trong GDP của hai nền kinh tế Hàn Quốc và Đài Loan, so với các nền kinh tế thu nhập cao khác.

Trong khi đó, Singapore ở vị thế cân bằng hơn giữa sản xuất và tài chính. Dù vậy, trong những năm gần đây, lĩnh vực tài chính đã vươn lên nắm giữ vai trò chính yếu đối với nền kinh tế tại đảo quốc sư tử.

Hồng Kông dẫn đầu tại lĩnh vực dịch vụ, trong khi ngành sản xuất chỉ đóng góp khoảng 1% GDP. Có 4 trụ cột chính tại Hồng Kông, bao gồm thương mại và logistics, dịch vụ kinh doanh/chuyên gia, du lịch và tài chính.

Với những biến động chính trị năm 2019 và đại dịch xuất hiện năm 2020, Hồng Kông rơi vào khủng hoảng trong khoảng 2 năm. Tuy nhiên, có sự khác biệt so với giai đoạn trước. Cuộc khủng hoảng 2019 - 2020 chủ yếu ảnh hưởng tới ngành du lịch (đóng góp thấp nhất cho GDP trong 4 trụ cột chính, vào khoảng 5% GDP). Các lĩnh vực khác chịu tác động ít hơn và ngành tài chính vượt qua thương mại - logistics trở thành lĩnh vực đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế Hồng Kông.

Trong thời gian tới, theo CIGP (tập đoàn tư vấn toàn cầu thành lập năm 1964), các lợi thế cạnh tranh của 4 “con hổ” châu Á (sản xuất tại Hàn Quốc và Đài Loan, tài chính tại Singapore và Hồng Kông) sẽ vẫn duy trì sức mạnh trên thị trường toàn cầu.

Đáng chú ý, các công ty điện tử và chất bán dẫn tại Hàn Quốc và Đài Loan đang có màn biểu diễn tích cực trong những năm gần đây, thậm chí tốt hơn so với các doanh nghiệp trên sàn NASDAQ. Xu hướng chuyển đổi số toàn cầu và việc các doanh nghiệp công nghệ tiên phong tiếp tục dẫn đầu sẽ giúp nền kinh tế Hàn Quốc và Đài Loan hưởng lợi.

Gần đây, các thành viên thị trường tài chính bắt đầu có sự so sánh giữa Hồng Kông và Singapore, với câu hỏi liệu Singapore sẽ thay thế Hồng Kông trở thành trung tâm tài chính toàn cầu tại châu Á? Xét riêng lĩnh vực tài chính, về quy mô, thanh khoản và mức độ sâu rộng của thị trường, thị trường chứng khoán Hồng Kông vượt xa so với Singapore. Vốn hoá thị trường chứng khoán Hồng Kông vào khoảng 6,7 nghìn tỷ USD, gấp gần 10 lần Singapore (690 tỷ USD).

Chưa kể, giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày tại thị trường Singapore vào khoảng 360 - 400 triệu USD, so với mức 15 - 20 tỷ USD tại Hồng Kông. Giá trị giao dịch thấp tại Singapore chủ yếu bởi các doanh nghiệp niêm yết tập trung vào các ngành truyền thống (năng lượng, công nghiệp và tài chính…), chiếm hơn 80% vốn hoá thị trường. Chứng khoán Hồng Kông cũng từng gặp vấn đề này những năm trước đây, nhưng với việc ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đại lục niêm yết tại Hồng Kông, hàng hoá tại thị trường này đa dạng hơn nhiều và các ngành truyền thống giảm tỷ trọng xuống còn khoảng 50%.

Cùng với đó, Hồng Kông từng đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng các thị trường IPO (phát hành lần đầu ra công chúng) sôi động trong 7 năm liên tiếp kể từ năm 2009 và chưa từng rơi khỏi Top 5. Trong khi đó, Singapore thỉnh thoảng mới góp mặt tại Top 10 và thậm chí thua cả Việt Nam trong bảng xếp hạng gọi vốn qua IPO năm 2018. Nguyên nhân là các doanh nghiệp mới thường lựa chọn niêm yết tại thị trường Mỹ hoặc Hồng Kông.

Trong bối cảnh đại dịch, 4 “con hổ” châu Á đối diện với dịch bệnh theo cách khác nhau. Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới gia tăng bởi biến chủng Delta, trong khi Singapore tự tin sống chung với Covid-19. Trong số 4 nền kinh tế này, theo The Economist, Đài Loan có tỷ lệ tử vong cao nhất và tỷ lệ tiêm vaccine thấp nhất.

Trong khi đó, Hồng Kông được đánh giá là nền kinh tế chịu tổn hại lớn nhất so với các nền kinh tế còn lại bởi phụ thuộc vào ngành du lịch và dịch vụ. Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Hồng Kông ngày 2/1/2022 cho biết, GDP của Hồng Kông dự kiến tăng trưởng 6,4% năm 2021, đánh dấu đà hồi phục sau 2 năm suy thoái. Động lực chính tới từ xuất khẩu, tăng trưởng tiêu dùng nội địa dưới các chương trình thúc đẩy tiêu dùng, gia tăng tỷ lệ tiêm vaccine và tình hình đại dịch ổn định hơn tại khu vực này.

Ngày 3/1/2022, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp (MTI) Singapore cho biết, GDP năm 2021 của Singapore tăng trưởng 7,2%, cao hơn mức dự báo được đưa ra trước đó và cao nhất kể từ năm 2010 cho tới nay. Trước đó, năm 2020, GDP Singapore giảm 5,4%. Tại sự kiện mừng năm mới, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, GDP năm 2022 dự kiến tăng từ 3 - 5%.

Ngày 16/12/2021, Ngân hàng Trung ương Đài Loan ước tính nâng mức tăng trưởng GDP năm 2021 của nền kinh tế này từ mức 5,75% lên 6,03%, xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng của thị trường toàn cầu phục hồi, tác động tốt tới nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại, nhất là xuất khẩu đồ điện tử, công nghệ.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của Hàn Quốc dự kiến tăng trưởng 4,3% trong năm 2021 và 3,3% năm 2022. Với mức tăng trưởng này, nền kinh tế Hàn Quốc tiếp tục xếp thứ 10 trong danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 3 năm liên tiếp, tính từ năm 2020.

Hiện nay, cả 4 “con hổ” châu Á đều phải giải quyết các bài toán nội tại, từ việc các doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước chiếm lĩnh thị trường, các ngành công nghiệp truyền thống chiếm tỷ trọng lớn cho tới dung hoà yếu tố bên ngoài như xung đột Mỹ - Trung, làn sóng chống toàn cầu hoá… Dù vậy, với sức mạnh lớn được gây dựng trong thời gian dài và những vai trò hàng đầu trên bản đồ kinh tế toàn cầu, cả 4 “con hổ” châu Á vẫn đủ sức giữ vững tên tuổi và tiếp tục tìm cơ hội bứt tốc.

Bí mật phía sau “Điều kỳ diệu châu Á”

Từ năm 1960 - 1990, châu Á trở thành khu vực tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tuy nhiên, mức tăng trưởng chung khoảng 3 - 5%/năm vẫn rất khiêm tốn so với bước chạy bứt tốc của Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan.

Các nền kinh tế này duy trì đà tăng trưởng trung bình hơn 7%/năm trong 3 thập kỷ và thành công rũ bỏ chiếc áo thu nhập thấp, trở thành các nền kinh tế thu nhập cao. GDP bình quân đầu người (thường được xem là thước đo phát triển kinh tế) của 4 “con hổ” châu Á tăng từ mức 300 - 400 USD/người/năm (năm 1960) lên hơn 30.000 USD/người/năm ngày nay.

Dù không có lý giải nào đầy đủ cho sự thành công của 4 “con hổ” châu Á, nhưng đa phần đều đồng ý rằng, các nền kinh tế này được hưởng lợi trong bối cảnh toàn cầu hoá, cùng với thành công của các chính sách trong việc nắm bắt cơ hội để tăng trưởng vốn và công nghệ.

Thêm vào đó, ở mỗi giai đoạn tăng trưởng khác nhau, các nền kinh tế này tập trung vào những trụ cột khác nhau dựa trên lợi thế so sánh của mình. Theo đó, 4 “con hổ” châu Á đi theo con đường từ tập trung vào các ngành thâm dụng lao động (khai khoáng, dệt may…) sang các ngành thâm dụng vốn (tự động hóa, hoá chất, điện tử…) và cuối cùng là tập trung vào công nghệ thông tin (chất bán dẫn, tài chính…).

Lộ trình này có vẻ hiển nhiên và đơn giản, nhưng chỉ một số ít quốc gia châu Á có thể xoay xở để đi đúng hướng.

Tuy nhiên, sau một thời gian tăng trưởng nhanh, cả 4 “con hổ” châu Á đều chứng kiến kinh tế giảm tốc kể từ những năm 2000. Dân số già đi, gia tăng chi phí đầu vào, cùng với quy mô nền kinh tế nhỏ, trào lưu chống lại toàn cầu hoá và câu chuyện phức tạp trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Thêm vào đó, việc Trung Quốc mở rộng cánh cửa kinh tế, gia nhập WTO vào năm 2002 khiến chuỗi cung ứng dần chuyển dịch về Trung Quốc (và gần đây là các quốc gia đang phát triển), thay vì rót vốn vào 4 “con hổ” châu Á như trước đó.

Kết quả là, tăng trưởng GDP trung bình của 4 “con hổ” châu Á giảm từ mức hơn 6% những năm 1990 xuống 3,7% những năm 2010 và thậm chí thấp hơn tăng trưởng của Mỹ trong vài năm gần đây.

Hàn Quốc xếp thứ 10 trong danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới 2 năm liên tiếp, tính từ năm 2020